Tiếng Anh không chỉ là môn học, nó là ngôn ngữ, là “công cụ” để mở rộng thế giới quan của trẻ. Cùng với kiến thức và hiểu biết tích lũy được từ những môn học khác, tiếng Anh có thể cùng các con bay khắp mọi phương trời.
Đã bước sang năm thứ tư tôi làm việc tại ngôi trường THCS Quyết Tiến. Hồi mới bắt đầu công việc, tôi phụ trách giảng dạy hai lớp 7 với tinh thần tha thiết được học hỏi, trau dồi và phát triển bản thân. Bây giờ, tôi đảm nhiệm công tác chủ nhiệm cùng công việc chuyên môn với học sinh một số lớp khối 6, 7 và 9.
Rất khó để so sánh việc làm chủ nhiệm và làm chuyên môn. Chủ nhiệm lớp học giúp tôi nhận ra rằng, tôi có 3 đứa con ở ngôi nhà thứ nhất cùng 37 đứa con ở ngôi nhà thứ 2 này…
Với bất cứ người giáo viên nào, làm chuyên môn đã giúp định hình bản thân và giúp tôi hiểu công việc của mình hơn, với hành trình đi học chuyên ngành Ngôn ngữ Anh 4 năm, làm các công việc liên quan tới giáo dục và tiếng Anh. Cả hai công việc đều có những khó khăn và thách thức riêng nhưng để so sánh cái nào khó khăn thì chắc là khó lắm.
Không chỉ tiếng Anh, mà bất cứ ngôn ngữ nào cũng mở ra một thế giới mới với trẻ. Khoảng thời gian Tiểu học là lúc giúp trẻ tiếp thu mọi thứ nhanh và tự nhiên nhất và quãng đời học sinh ở THCS là khoảng thời gian giúp các con hình thành nền móng để sử dụng và phát triển ngôn ngữ. Học tiếng Anh không chỉ là học cách giao tiếp hay một môn học. Trong quá trình trẻ học tiếng Anh song song cùng tiếng mẹ đẻ, các con sẽ có sự so sánh, nhìn ra sự giống nhau và khác nhau giữa các ngôn ngữ, giúp học sinh tư duy hiệu quả hơn, có thêm hiểu biết kiến thức, văn hóa về một đất nước mới. Học một ngôn ngữ là học cả cách tư duy, cách suy nghĩ của một cộng đồng mà thông qua đó, trẻ sẽ có cơ hội nhìn nhận thế giới đa chiều hơn.
Đây là một thời điểm có giá trị khi trẻ được tiếp nhận công cụ mở rộng thế giới quan, tiếp xúc với các tài liệu mới, tiếp cận ngôn ngữ một cách tự nhiên không gò bó. Người lớn học tiếng Anh đặt nặng nhiều về ngữ pháp từ vựng nhưng với trẻ, các con tiếp nhận tiếng Anh như một ngôn ngữ đầy tự nhiên và bản năng hơn.
Tôi không cổ xúy việc học tiếng Anh cực kỳ sớm ở trẻ vì còn phụ thuộc vào sở thích, điều kiện cũng như khả năng tiếp nhận ngôn ngữ của mỗi cá nhân. Tuy nhiên, tiếp xúc với tiếng Anh càng sớm thì sẽ càng giúp học sinh đi vào thế giới ngôn ngữ càng tự nhiên và hiệu quả hơn.
Thế giới là một tập hợp các câu chuyện và thông qua kể chuyện, chúng ta tiếp thu và học kiến thức mới nhanh nhất. Trẻ em cũng vậy. Có rất nhiều điều đặc biệt ở việc dạy học tiếng Anh, nhưng với tôi, tiếng Anh ở ngôi trường thân yêu của tôi, có sự lồng ghép của các câu chuyện và thực tiễn cuộc sống. Cá nhân tôi thích dạy ngữ pháp thông qua những ví dụ đời thường, qua những câu chuyện, dù ngây ngô buồn cười nhưng giúp học sinh ghi nhớ dễ dàng và tiết học không bao giờ bị nhàm chán. Khi được giao nhiệm vụ, các bạn học sinh sẽ phát huy sáng tạo từ các câu chuyện đó. Và bạn biết đấy, tôi thường phải gắng nhịn cười với những học trò hài hước và thông minh của mình…
Học sinh ở THCS Quyết Tiến chúng tôi thường được hỏi nhiều câu hỏi mở rộng và tiếp xúc với các chủ đề đọc rộng hơn. Nhờ vậy, các con không chỉ có kỹ năng tiếng Anh mà còn mở rộng kiến thức trong nhiều lĩnh vực. Tôi vẫn nhớ có một bài đọc và nghe về câu chuyện một loại nhạc cụ và các bạn học sinh đã tìm hiểu về chủ đề mới rất sôi nổi.
Bản chất của ngôn ngữ là sống. Ở THCS Quyết Tiến, học sinh sẽ được học những điều có tính ứng dụng trong đời sống, giúp các con ứng biến ngôn ngữ một cách tự nhiên, sử dụng các cụm từ không rập khuôn để vận dụng linh hoạt ngôn ngữ trong giao tiếp. Các chủ đề đời thường cũng được đưa vào chương trình dạy giúp tiếng Anh không còn xa lạ.
Tuy vậy, với giáo viên chúng tôi, khó khăn nhất vẫn là tạo và duy trì được nhiều hứng thú cho học sinh. Nếu học sinh không hứng thú với môn học, các giác quan của các con sẽ “đóng lại”, không tiếp thu được. Nếu như các con không được giao chủ đề vừa sức, hứng thú thì sẽ khó tiếp thu và phát triển.
Với các môn học khác, khái niệm được diễn giải bằng tiếng Việt nhưng tại lớp tiếng Anh, giáo viên sẽ cố gắng tối đa hóa sử dụng tiếng Anh nên việc giao tiếp sẽ khó hơn so với sử dụng tiếng Việt. Giáo viên phải làm sao để cách truyền tải dù đơn giản, thú vị nhưng vẫn tối đa hóa việc tiếp nhận tiếng Anh. Chính vì thế nên mới thấy, dạy tiếng Anh cho trẻ đôi khi còn khó hơn người lớn.
Điều quan trọng nhất với giáo viên chúng tôi chính là sự linh hoạt và sáng tạo. Bản thân là giáo viên tiếng Anh cho các bạn học sinh của thế hệ mới nhưng mình lại là “sản phẩm” của nền giáo dục cũ nên dễ đi vào lối mòn của những thứ ngày xưa được tiếp nhận. Sáng tạo và tìm tòi đổi mới là những điều vô cùng quan trọng với giáo viên tiếng Anh.
Yêu cầu và nhu cầu với môn tiếng Anh ngày càng cao không chỉ là áp lực với giáo viên mà cả với học sinh. Bố mẹ sẽ sốt sắng hơn, quan tâm đến thành tích của con và đôi khi có thể dẫn đến việc dồn ép con học, thi nhiều hơn; từ áp lực lên con sẽ dẫn tới áp lực lên giáo viên với các câu hỏi như “Sao bây giờ cháu còn chia sai động từ? Sao giờ cháu chưa có bằng Flyers?”...
Mỗi bạn nhỏ có tiến trình khác nhau nên việc học cũng khác. Không phải ai cũng hiểu rằng ở giai đoạn này trẻ cần mắc lỗi, có thể mắc lỗi và sửa sai. Việc học theo cấu trúc kiến thức chôn ốc sẽ được tăng tiến sau từng cấp học, điều này không phải bố mẹ nào cũng hiểu và con sẽ học được những kiến thức nâng cao hơn ở bậc sau.
Từ những ngày còn là học sinh THCS, tiếng Anh vốn đã là thứ gì đó luôn dễ dàng mang lại cảm xúc trong tôi. Từng ngày từng giờ làm việc và sống cùng nó, một cách tự nhiên, tôi tha thiết mong muốn và cố gắng mang lại những tích cực trong việc học và vận dụng thứ ngôn ngữ hay ho này vào việc học cũng như cuộc sống của học sinh của tôi.
Và bạn biết không ạ, cô trò chúng tôi đang chuẩn bị một tiết mục song ca tiếng Anh trong dịp chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 này đấy!
Tôi yêu tiếng Anh bao nhiêu, tôi càng khao khát được truyền lửa bấy nhiêu tới những thế hệ học trò nơi đây. Để tương lai của các con sớm tươi sáng, được cùng với những kiến thức và trải nghiệm từ các thầy cô yêu dấu của THCS Quyết Tiến truyền lại, được sải dài đôi cánh bay khắp mọi phương trời…
Quyết Tiến, ngày 14 tháng 11 năm 2024