Mục tiêu của giáo dục phổ thông là nhằm phát triển toàn diện cho người học về đạo đức, trí tuệ, thể chất, thẩm mỹ, kỹ năng cơ bản, phát triển năng lực cá nhân, tính năng động và sáng tạo; hình thành nhân cách con người Việt Nam xã hội chủ nghĩa và trách nhiệm công dân; chuẩn bị cho người học tiếp tục học chương trình giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp hoặc tham gia lao động, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Để đạt được mục tiêu đó, giáo dục đã có rất nhiều đổi mới, đặc biệt là đổi mới phương pháp dạy học đang được quan tâm và coi trọng trong tất cả các môn học.
Để góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy môn KHTN, nhiều giáo viên đã tích cực đổi mới phương pháp trong giảng dạy và đã có rất nhiều những kinh nghiệm hay. Nhưng phần lớn các thầy cô chỉ tập trung chủ yếu trong các giờ nghiên cứu kiến thức mới. Trong khi đó, các giờ luyện tập đòi hỏi khái quát, củng cố kiến thức, phát triển tư duy tổng hợp, rèn kĩ năng kĩ xảo cho học sinh thì ít được giáo viên quan tâm.
Và bản thân môn KHTN là một môn khoa học thực nghiệm, có vai trò rất quan trọng trong cuộc sống và cần thiết đối với các ngành khoa học công nghệ khác. Tuy nhiên, rất nhiều HS chưa nhận thức và hiểu rõ về điều đó nên thấy môn KHTN thật khô khan, thật khó hiểu và không có gì thú vị nên không có hứng thú môn học này. Cô trò gần như có khoảng cách khá xa. Bản thân tôi rất trăn trở làm thế nào để các em HS hứng thú và yêu thích học KHTN hơn? Đó là điều tôi thấy khó khăn.
Và rồi hàng ngày, khi tiếp xúc với các em, nói chuyện cùng các em, quan sát các em tôi nhận thấy khi được chơi các em tươi cười, vui vẻ lắm. Và điều đó làm tôi nảy sinh ý tưởng, dù có ít thời gian nhưng mình vẫn phải cố gắng đẩy kiến thức vào thành trò chơi cho các em. Biết đâu các em hứng thú. Và đúng là các em HS hứng thú hơn rất nhiều. Những em HS chưa bao giờ phát biểu, chưa bao giờ cởi bỏ khẩu trang trong lớp, mà giờ đây em dám bỏ khẩu trang, em phát biểu rằng trò chơi thú vị và em tham gia chơi một cách nhiệt tình. Dần dần cô trò tôi gần nhau hơn. Và từ đây, tôi lựa chọn dạy một số kiến thức qua việc tổ chức trò chơi cho HS, giúp HS vừa tiếp thu kiến thức, lại vừa phát triển năng lực.
“Ta không thể dạy một người bất cứ điều gì, ta chỉ có thể giúp người đó tìm thấy bên trong chính họ” -Galileo
Là một giáo viên tôi hiểu rằng dục không phải là ép buộc hay truyền đạt thông tin mà là hành trình giúp học trò khám phá chính mình. Mỗi học sinh đều là một thế giới riêng và điều quan trọng nhất là khơi dậy sự tò mò, tạo động lực để các em tự tìm tòi và phát triển.
Khi các em tự tin đứng lên tự giải quyết vấn đề và bước đi trên con đường của mình đó chính là lúc tôi biết sự dạy dỗ đã thực sự chạm đến trái tim các em.