GIÁO DỤC KĨ NĂNG SỐNG CHO HỌC SINH
TRONG GIỜ SINH HOẠT TẬP THỂ
Xã hội hiện đại luôn đòi hỏi con người có những kỹ năng ứng phó trước những tình huống xảy ra trong cuộc sống nên việc rèn luyện cho học sinh các kỹ năng mềm là nhiệm vụ quan trọng trong nhà trường. Giúp trang bị cho các em những kiến thức giá trị, thái độ và kỹ năng phù hợp; từ đó hình thành cho học sinh những hành vi, thói quen lành mạnh, tích cực; loại bỏ những hành vi, thói quen tiêu cực trong cuộc sống; tạo cơ hội cho các em có khả năng xử lý mọi vấn đề xảy ra trong sinh hoạt hàng ngày. Một trong những kĩ năng có ý nghĩa vô cùng thiết thực , cần rèn luyện cho học sinh trong tình hình hiện nay là : “ Kĩ năng thoát nạn khi xảy ra cháy”
Rèn luyện “Kĩ năng thoát nạn khi xảy ra cháy” được tổ chức vào các giờ sinh hoạt tập thể . Trong đó các em học sinh là người chuẩn bị và là người trình bày ,cùng nhau phân tích những nguyên nhân – hậu quả của các vụ cháy nổ, từ đó có hành động đúng, thay đổi thói quen có thể dẫn đến cháy nổ, có kĩ năng phòng chống cháy và kĩ năng thoát nạn khi xảy ra cháy nổ qua các buổi sinh hoạt.
Kỹ năng 1: Khi ngửi thấy mùi khét hoặc trông thấy khói, lửa hay thấy chuông, đèn báo cháy mà không có người lớn bên cạnh thì các bạn phải ngắt ngay cầu dao điện và tìm cách gọi ngay cho các chú lính cứu hỏa theo số điện thoại là 114
Kỹ năng 2: Hướng dẫn các nội dung về an toàn PCCC cho các bạn học sinh, như: Nhận biết hỏa hoạn; kỹ năng ứng phó khi xảy ra hỏa hoạn và phòng, chống hỏa hoạn…các thành viên trong đội lực lượng PCCC của nhà trường còn tổ chức hướng dẫn cụ thể kỹ năng thoát nạn cho các bạn học sinh như sử dụng khăn ướt để chống bị ngạt khói, cúi thấp người để thoát ra nơi an toàn.
Kĩ năng thoát hiểm khi hỏa hoạn
Kỹ năng 3: Để tránh bị ngạt khói, chúng ta di chuyển ra ngoài bằng cách bò sát mặt đất, bịt khăn hoặc vải thấm nước lên miệng, mũi. Hãy khoác thêm một chiếc áo được nhúng nước nếu có thể (trong khi bò nên bò theo men bờ tường để tìm lối thoát nạn một cách nhanh nhất).
Kỹ năng 4: Khi thoát ra ngoài phòng, các bạn hãy bình tĩnh di chuyển thoát nạn theo đường cầu thang bộ theo sự hướng dẫn của thầy cô hay người lớn. Đối với các trường học hay nhà ở mà có thang máy thì không được sử dụng để thoát nạn (vì khi xảy ra sự cố cháy, nổ nguồn điện sẽ bị cắt nên thang máy sẽ bị dừng lại bất cứ khi nào, dễ dẫn đến bị kẹt và ngạt khí gây tử vong).
Kỹ năng 5: Trong trường hợp ngọn lửa bùng phát, khói, khí độc bao trùm cả hành lang và không thể thoát ra ngoài, hãy lấy vải ướt bịt chặt các khe cửa.
Kỹ năng 6: Sau đó, di chuyển ra ngoài ban công, cửa sổ và gọi to hoặc dùng khăn, áo, mũ để ra hiệu cầu cứu và tuyệt đối không được nhảy xuống dưới.
Kỹ năng 7: Nếu có lực lượng đến cứu, các bạn cần phải bình tĩnh làm theo hướng dẫn của người lớn.
Kỹ năng 8: Trong trường hợp không thể ra cửa sổ hoặc ban công để cầu cứu thì các em chui xuống bàn học, gầm giường nằm sát xuống sàn nhà để tránh ngạt khói và đây cũng là nơi đầu tiên những người lính cứu hỏa chú ý đến khi tìm kiếm những người còn kẹt lại trong một vụ hỏa hoạn.
Kỹ năng 9: Trong trường hợp quần áo bị bén lửa chúng em phải dừng lại, nằm xuống và lăn người qua lại hoặc lăn tròn để làm tắt ngọn lửa.
Kỹ năng 10: Khi xảy ra cháy, nổ tại những nơi tập trung đông người (trung tâm thương mại, siêu thị, rạp chiếu phim…) việc đầu tiên các em cần phải thật bình tĩnh tìm cách hoặc tuân theo sự chỉ dẫn của người lớn thoát ra khỏi tòa nhà qua các lối thoát nạn thông thường cầu thang bộ, nơi có đèn EXIT - LỐI RA là lối ra thoát nạn an toàn nhất. Tuyệt đối không được chen lấn, xô đẩy trong quá trình thoát nạn và không sử dụng thang máy trong quá trình thoát nạn. Trong trường hợp chưa thể tiếp cận được các lối ra thoát nạn an toàn thì phải tìm những vị trí lánh nạn tạm thời như ban công hay của sổ mà ở đó chưa bị ngọn lửa hay khói, khí độc đe dọa để chờ các chú lính cứu hỏa đến trợ giúp (tuyệt đối không được nhảy xuống trừ khi có đệm không khí, lưới ở dưới và được các chú lính cứu hỏa hướng dẫn).
Qua các buổi diễn tập giả định trên, giúp cho học sinh có những kinh nghiệm phòng chống cháy nổ; những kinh nghiệm xử lý tình huống khi trường xảy ra sự cố; chúng em biết cách thoát hiểm, di dời tài sản về nơi an toàn; biết sử dụng các phương tiện chữa cháy tại chỗ để dập đám cháy nếu sự cố xảy ra, kiên quyết không để xảy ra cháy gây thiệt hại về người và tài sản của nhà trường, do vậy trong năm học vừa qua do làm tốt công tác PCCC nên không có vụ xảy ra bất cẩn trong việc sử dụng các thiết bị hàng ngày của các thầy, cô và HS trong nhà trường để dẫn đến gây ra hỏa hoạn.