ĐỒNG TIỀN MỚI
Mùa xuân năm 1996, hai cô giáo trẻ mới tốt nghiệp ra trường, được phân công giảng dạy tại Vinh Quang. Vinh Quang nơi đầu sóng ngọn gió, nơi tận cùng của của huyện Tiên Lãng, nơi có biển xanh, gió thổi quanh năm. Hai cô giáo trẻ cùng nhiều thầy cô giáo khác năm đó cùng nhận công tác tại nơi đây.
Lần đầu tiên khi đến trường cô Thu Hương, cô Phương Mai rất hào hứng. Các cô vừa đạp xe vừa chuyện trò rất vui vẻ. Quãng đường từ đầu huyện đến trường rất xa. Hai bên đường có nơi dân cư bán hàng, có nơi hiện ra cánh đồng xanh mát, có nơi thì dòng sông hiền hòa chảy êm ả. Càng đi về cuối huyện, gió càng thổi mạnh. Từng làn gió mát rượi làm tung bay mái tóc của các cô
Từ đằng xa đã nhìn thấy phía trước một tấm biển ghi dòng chữ : “Trường trung học cơ sở Vinh Quang”. Cô Mai reo lên vui sướng:
- Chị ơi! Trường đây rồi. Chị em mình vào đi!
Cổng trường không khóa, hai cô giáo trẻ bước qua cổng trường. Sân trường mở ra với không gian rộng lớn. Sân trường toàn bộ nền cát vàng. Màu cát nhàn nhạt hòa lẫn với màu nắng buổi sáng rất đẹp mắt. Trường gồm hai dãy cao tầng khang trang với những khung cửa sổ màu xanh mát rượi. Góc phải của trường hiện lên dãy phòng ở tập thể với 7 phòng nhỏ nằm lấp ló sau hàng cây bàng nâu sẫm. Góc trái với vườn chuối đang độ trường thành, từng thân chuối tròn, bóng loáng như được bôi mỡ. Những hoa chuối ẩn hiện sau tàu lá như những đốm lửa của mùa hè rực cháy.
Đằng sau khu phòng ở tập thể có một ao thả cá. Tiếng cá đớp mồi buổi sáng làm mặt nước rung động. Nghe tiếng bước chân người, đàn cá lặn xuống sâu, âm thanh “rào rào”. Những tăm cá vẫn nổi trên mặt nước. Vài phút sau thấy yên lặng cá lại nổi lên, lượn từng đàn tung tăng.
Hai cô giáo trẻ bước vào phòng cô hiệu trưởng. Sau khi gặp hiệu trưởng, trao đổi về công việc, các cô nộp hồ sơ cho hiệu trưởng. Từ ngày hôm nay các cô chính thức được công nhận làm giáo viên của trường. Từ hôm nay các cô cũng được phân phòng trong khu tập thể để ở. Các cô vui vẻ nhận phòng, dọn dẹp lại cho sạch sẽ để ở luôn đó.
Ngày đầu lên lớp để lại kỉ niệm không thể nào quên đối với cô giáo Mai. Cô Mai được đào tạo cấp tốc, học lớp Văn – Địa nhanh. Vì ngày đó thiếu giáo viên nên trường Sư phạm đào tạo cấp tốc để sinh viên ra trường đáp ứng cho những vùng sâu , vùng xa. Lớp học đó không có kiến tập, không thực tập, về trường giáo viên thực hành dạy luôn. Vì vậy, buổi đầu lên lớp cô Mai còn lúng túng, cô cứ cầm giẻ lau bảng lên lại đặt xuống. Đôi bàn tay ngượng ngùng, cảm giác cứ thừa thãi sao ấy! Cô đi xuống lớp lại đi lên. Một vài trò nam nói gì đó, mặt cô ửng hồng. Nhưng cô Mai dạy rất hay. Những giờ văn của cô học trò cứ tròn xoe mắt, im lặng lắng nghe. Có học trò tâm sự: “Chúng em rất thích học văn của cô Mai, nó sâu lắng, êm ái, dịu ngọt vô cùng! Từng lời giảng cứ thấm dần trong tâm hồn chúng em.”
Những buổi chiều hai cô giáo trẻ lại cùng lũ học trò đi bộ ra biển. Từng làn gió biển mang hơi muối mằn mặn. Rừng thông xanh vươn mình trong nắng. Từng làn sóng biển đuổi nhau xô vào bờ cát. Cô, trò cùng vui đùa trên bãi biển. Mỗi đợt sóng tới cùng nắm tay để nhảy qua. Những lâu đài cát, những đỉnh núi, rừng cây… được các em tạo dựng trên nền cát trông rất đẹp mắt.Từng đợt sóng tràn qua, lại mang đi tất cả, không để lại dấu vết gì. Có em viết tên mình trên cát, viết những ước mơ, khát khao … để nhờ sóng mang đến chân trời xa…
Những mùa gặt của dân làng Vinh Quanh tấp lập như ngày hội. Người dân rủ nhau ý ới ra đồng thu hoạch mùa màng. Những bông lúa vàng óng ả, trĩu nặng, cong cong như lưỡi liềm! Rơm vàng trải khắp làng quê. Sau mùa gặt mỗi em lại đội một ôm rơm to đến khu tập thể để tặng cho các thầy cô giáo. Ngày ấy còn đun rơm nên nguyên liệu các em gửi đến rất quý giá. Rơm được đánh thành một đống to tướng để đun trong cả năm. Nhờ những ôm rơm nhỏ nên ngọn lửa trong từng căn bếp tập thể cứ cháy mãi hết năm này sang năm khác.
Nhớ nhất vào những buổi tối ở khu tập thể. Các thầy giáo đánh đàn, các cô giáo hát theo. Thường thì chia làm hai đội chơi thi với nhau xem đội nào chiến thắng. Đội nào hát đúng, hát hay sẽ được tặng phần thưởng. Cuộc sống tuy nghèo nhưng ý nghĩa, ấm áp vô cùng!
Thấm thoắt đã sang năm ba, kể từ khi hai cô giáo trẻ về trường dạy học. Hôm đó là buổi sáng thứ hai của tháng 10 năm 1998, cô Mai bước vào lớp, cả lớp đứng dạy chào, cô ra hiệu cho các bạn ngồi xuống. Một số bạn lên nộp tiền học phí. Ngày ấy đóng ít thôi, chỉ mấy chục nghìn, các em đã đóng đủ cho cả năm học. Có một trò nam tên Lực mang lên một đồng tiền polymer mới tinh, mệnh giá năm mươi ngàn đồng. Đây, tờ đồng tiền mới đầu tiên cô Mai nhận được từ học trò.
Cô Mai cất giọng hỏi:
- Ai cho em đồng tiền mới này?
- Thưa cô, bố em cho ạ! Bố em mới đi đổi tiền hôm qua cho em một tờ ạ!
Cô giáo cẩn thận cất đồng tiền mới đó cùng số tiền thu được của các trò vào ngăn cặp của mình. Sau đó cô nhắc học trò mở sách vở để bắt đầu bài dạy của mình. Tiếng giảng bài của cô trầm bổng trong không gian lớp học. Các trò chăm chú nghe giảng. ghi chép bài. Vài trò đưa cặp mắt mơ màng về một nơi xa xăm…
Tùng…tùng …tùng … ba tiếng trống báo hiệu giờ tan học đã đến. Các trò nhanh chóng ùa ra khỏi lớp. Trong phút chốc lớp học không một bóng người. Cô Mai mang cặp sách, nhẹ nhàng chở về khu tập thể.
Buổi chiều hôm đó cô Mai lại lên lớp như thường lệ. Những bài giảng của cô mang lại bao điều lí thú. Kiến thức về văn học, về nghệ thuật, về lịch sử… được cô truyền tải đến các em. Các trò hào hứng trao đổi thảo luận, bày tỏ những tâm tư, nguyện vọng, tình cảm của bản thân.
Chiều tối nhanh chóng ập xuống. Sau bữa cơm tối, các cô xem lại bài vở cho buổi dạy ngày hôm sau. Cô Mai với chiếc cặp trên bàn xuống. Cô chợt nhớ buổi sáng có thu tiền của các em. Cô bỏ ra đếm. Đếm đi đếm lại cô cứ thấy thiếu thiếu. Cô nghĩ mãi, không biết thiếu cái gì? Sau đó, cô phát hiện ra tờ polymer mới tinh đã không còn nữa. Trời đất, tờ tiền đó đi đâu không biết? Chỉ có một tờ duy nhất – cô nhớ lắm. Không thể mất được. Cô băn khoăn một hồi lâu. Có lên hỏi cô Hương không nhỉ? Chỉ có hai chị em cùng phòng, nói ra sợ mất lòng nhau. Nhưng không nói, lòng cô không yên.
- Chị ơi! Em mất tiền.
- Em xem kĩ lại chưa? Tiền trong cặp làm sao mất được?
Cô Mai khẳng định rằng không mua gì, cũng không cho ai mượn cả. Hai chị em nhớ lại xem ngày hôm nay có ai đến khu tập thể chơi không. Nghĩ mãi rồi vẫn không nhớ ra ai. Chợt cô Mai reo lên:
- Chị ơi, đi với em!
- Đã 9 giờ 30 phút, giờ này ở đây người ta ngủ hết rồi em ạ!
- Cứ đi với em may còn kịp.
Hai cô giáo trẻ lấy xe đạp, chở nhau đến xóm Yên. Ngoài đường trời tối om, không còn ai qua lại, không gian vắng vẻ vô cùng! Quặt vào một ngõ dài, xe dừng lại. Cô Mai nói: “Chị chờ em ở đây nhé!”. Rồi cô một mình đi vào gần tới căn hộ hơn.
Cô Mai cất tiếng gọi:
- Thảo ơi, ra cô gặp nhé!
Cô Mai gọi mấy tiếng không có người đáp lại. Chờ vài phút, một em học trò nữ từ trong căn hộ đi ra.
- Cô gọi em ạ? Có việc gì đấy cô?
Cô Mai thì thầm gì đó với em học trò. Em học trò lặng im không nói gì. Một phút…hai phút…ba phút…Phải mất khoảng 5 phút trôi qua.
Em học trò mới nói:
- Cô đợi em tí ạ!
Lát sau em đó quay lại, trên tay cầm tờ polymer mới đưa lại cho cô Mai. Học trò nói: “Em xin lỗi cô ạ”. Cô Mai xoa đầu em: “Em học trò yêu của cô. Cô tin em, có khó khăn hãy nói với cô nhé!”.
Câu chuyện: “Đồng tiền mới” chỉ có ba người biết: Cô Mai, cô Hương, người học trò ấy. Bao nhiêu năm trôi qua câu chuyện vẫn được giữ kín. Người học trò ấy, sau này trưởng thành đã theo nghề dạy học. Em hiện nay làm giáo viên dạy thể dục tại trường trung học phổ thông Trần Phú – Hải phòng. Bao nhiêu năm nay, bài học ấy em luôn ghi nhớ trong lòng. Cô Mai đã trở thành ân nhân của em, người nâng đỡ, che chở cho lỗi lầm, cho tâm hồn non nớt của em. Hiện tại mối quan hệ giữa cô Mai với người học trò đã trở thành tình thân của nhau – một tình thân hơn cả ruột thịt! Tình thầy trò thiêng liêng cao cả!
Vinh Quang: 6/10/1998
Tác giả: Cao Mơ