Một thằng bạn thì thầm vào tai tôi: “Lợn đất đi du lịch mày ợ”. Tôi quát vào mặt nó: “Mày có bị điên không? Lợn đất làm gì có chân?”. Nó trả lời tôi: “Mày không tin thì thôi, cô giáo tao cũng bảo thế mà!”
Bạn tôi học lớp 9B niên khóa 2006 - 2007 trường THCS Quyết Tiến. Năm đó cô giáo Thanh chủ nhiệm. Vào đầu năm học, khi họp phụ huynh học sinh cả lớp, cô Thanh nảy ra sáng kiến nuôi lợn đất. Cô nói rằng việc nuôi lợn đất sẽ rèn cho các em tính tiết kiệm, biết quý trọng công sức của bố mẹ. Các phụ huynh nhất trí cao, các em học sinh cùng đồng thanh ủng hộ. Để nuôi được lợn đất, cô Thanh tặng cả lớp một chú lợn màu vàng tranh. Chú ta có một bông hoa xanh trên lưng, một chiếc nơ xinh xắn trên đầu, hai má phính với hai chấm tròn xoe màu đỏ, mắt chú híp chặt lại... trông rất ngộ nghĩnh. Cô Thanh cũng đóng góp như các bạn học sinh: Mỗi tuần cho lợn ăn một bữa bằng năm nghìn đồng. Cả tháng lợn sẽ được ăn bốn bữa bằng hai mươi nghìn đồng.
Chú lợn đất xinh đẹp sẽ được giao cho lớp trưởng quản lí. Sau mỗi lần lợn ăn nó sẽ được cho vào trong tủ của lớp khóa lại. Việc nuôi lợn đất diễn ra đều đặn mỗi tuần, mỗi tháng. Vào sáng thứ hai hàng tuần, bạn nào cũng hào hứng bế lợn lên ngắm nghía và cho ăn. Có bạn còn lắc mạnh chú lợn để nghe âm thanh phát ra từ bụng chú ta. Sau khi lắc xong bạn đó nói: “Lợn đói lắm chúng mày ạ.”. Cả lớp lại phá lên cười khoái chí.
Bây giờ đã là tháng 5, chỉ còn một tháng nữa là các bạn trong lớp 9B sẽ thi vào THPT. Hoa phượng đã nở đỏ rực cả góc sân trường, ve kêu inh ỏi suốt ngày. Thời tiết oi bức không thể chịu được. Một số bạn tìm những gốc cây mát mẻ hơn để ngồi học bài, số khác thì ra góc cầu thanh cho yên tĩnh, số ít còn lại thì ngồi trong lớp để học. Thời gian này các em học trò tận dụng từng phút, từng giây để ôn các đề thi: Toán, Văn, Anh. Em nào cũng chăm chỉ, cặm cụi làm bài và học bài để mong đạt điểm cao, thi đỗ vào THPT. Đặc biệt là mong muốn được đi du lịch từ tiền tiết kiệm nuôi lợn đất.
Hôm đó vào buổi tối chủ nhật, cô Thanh xem lại các đề bài để mai ôn tập cho các em. Bỗng điện thoại reng…reng…reng…đầu giây bên kia vang lên:
- Cô ơi, mất lợn đất rồi!
Cô Thanh sửng sốt:
- Thế à? Mất từ bao giờ mà bây giờ mới gọi cho cô?
Đầu giây bên kia:
- Dạ thưa cô, mới mất sáng nay thôi. Chúng em không dám nói với cô.
Cô Thanh:
- Tại sao không nói với cô sớm hơn?
Đầu giây bên kia:
- Chúng em còn đi tìm ạ, nhưng tìm đến giờ vẫn chưa thấy ạ!
Cô Thanh:
- Thôi được rồi, cứ bình tĩnh để cô xem xét nhé!
Sáng hôm sau, cô Thanh đến lớp thật sớm, cô mặc bộ áo dài màu tím nhạt, nét mặt cô vẫn thản nhiên như chưa hề có chuyện gì xảy ra.
Bạn lớp trưởng chạy đến bên cô thì thào:
- Tình hình sao rồi cô ?
Cô Thanh không đáp, chỉ hỏi rất nhỏ đủ cho một mình lớp trưởng nghe thấy:
- Em có nghi bạn nào không?
Lớp trưởng trả lời:
- Thưa cô! Bạn Nguyễn Như sáng hôm đó có mượn chìa khóa để đến lớp lấy vở về chép bài. Bạn trả chìa khóa rồi ạ!
- Vậy em đã gặp bạn chưa?
- Em gặp rồi, bạn bảo bạn không lấy. Em đến tận nhà bạn tìm cũng không có.
Cô Thanh an ủi:
- Cứ yên tâm lợn không mất được đâu!
Lúc này, các bạn đã đến lớn học đông đủ. Bạn lớp trưởng về chỗ ngồi nhưng trong lòng nhấp nhổm có vẻ không yên. Dưới lớp một vài tiếng thì thầm nổi lên. Những tiếng thì thầm to dần “Lợn đất mất rồi!”, “Thế này thì đi chơi làm sao được?”, “Công sức của cả lớp thế là toi!”...Bạn Tân có vẻ không chịu được đứng phắt lên:
- Thưa cô, lợn đất mất rồi!
Cô giáo ra hiệu cho bạn ngồi xuống. Cô đưa cặp mắt nhìn khắp lượt các học trò trong lớp. Cô ghi nhớ từng gương mặt thân quen của các bạn. Vài phút sau cô cất giọng dịu dàng, ấm áp:
- Các em ạ, lợn đất không hề mất. Lợn đất chỉ đi du lịch vài hôm rồi về thôi mà!
Cả lớp nhao nhao phản đối:
- Cô ơi, không phải, mất rồi mà. Cô đừng đùa chúng em nữa!
Cô Thanh trấn an các em:
- Cả lớp hãy tin cô, vài hôm nữa lợn đất sẽ về với các em. Bây giờ hãy mở vở ra học bài nhé!
Lớp học chở lại im lặng. Các em mở vở ra học bài, làm bài tập. Không gian yên tĩnh, những mái đầu cặm cụi bên trang vở, những bàn tay đưa lên đưa xuống cây bút nhịp nhàng. Cô giáo đi xuống chỗ từng bạn quan sát các bạn làm bài. Cô dừng lại lâu hơn ở vài bạn. Cứ thế tiết học đã nhanh chóng trôi qua!
Một ngày...hai ngày...ba ngày...có lẽ phải đến một tuần, khi các bạn trong lớp không còn nhắc lại chuyện mất lợn đất nữa. Bỗng một hôm cô Thanh tuyên bố:
- Lợn đất đã đi du lịch về các em ạ!
Cả lớp đồng thanh hỏi lại:
- Có thật không cô?
Cô Thanh mỉn cười nói:
- Không tin, các em cứ mở tủ của lớp ra.
Bạn lớp trưởng lập tức mang chùm chìa khóa ra mở tủ. Hơn bốn mươi bạn trong lớp cùng chăm chú hướng nhìn theo từng động tác của bạn. Bàn tay bạn run run cắm chìa vào ổ khóa. Hồi hộp quá! Từng giây ...từng phút trôi qua, tưởng chừng như ngộp thở... Cánh cửa tủ lớp được mở tung ra. Trước mắt các bạn là một chú lợn màu vàng tranh: vẫn là bông hoa xanh trên lưng, một chiếc nơ xinh xắn trên đầu, hai má phính với hai chấm tròn xoe màu đỏ, mắt chú híp chặt lại... Lợn đất như đang nhoẻn miệng cười. Không ai bảo ai cả lớp đồng thanh: “Hoan hô lợn đất!”, “Hoan hô lợn đất!”. Một bạn hét to: “Lợn đói lắm rồi, cho lợn ăn thôi!” Thế là cả lớp bế lợn lên cho ăn. Lợn được truyền từ tay bạn này sang tay bạn kia. Sau khi cho lợn ăn xong, chú ta lại được cho nằm im trong tủ của lớp. Buổi học hôm đó vui thật là vui!
Bạn tôi nói rằng, cả lớp 9B cũng không biết ai là thủ phạm đã đánh cắp con lợn đất năm đó. Chỉ riêng mỗi mình cô Thanh biết mà thôi! Sau này mỗi lần khi lớp 9B tổ chức gặp mặt đều mời cô Thanh về dự. Các bạn vẫn hỏi cô về chuyện con lợn đất ngày xưa nhưng cô chỉ mỉn cười bí ẩn. Với tập thể 9B câu chuyện: “Lợn đất đi du lịch” mãi mãi là một bí mật đến tận bây giờ!
Tháng năm tìm lại!
Tác giả: Cao Mơ